Tái tạo da không chỉ để trị mụn! – Lá Home Beauty
Tin tức

Tái tạo da không chỉ để trị mụn!

Tái tạo da không chỉ để trị mụn!

 

Hiện nay, khi nhắc đến tái tạo da, mọi người nghĩ ngay đến cụm từ tái tạo da trị mụn. Tuy nhiên, tái tạo da còn là một quá trình làm đẹp mang đến nhiều kết quả khác cho da như khiến da hồng hào, mềm mịn, đặc biệt là hiệu quả nổi bật đối với nhu cầu nâng cấp bề mặt da mặt.

Nói cách khác, tái tạo da là việc thúc đẩy thay da mới một cách nhanh chóng bằng nhiều lựa chọn sản phẩm cũng như phương thức khác nhau.

Trong nội dung chia sẻ chi tiết về tái tạo da này, bạn sẽ được giải đáp thắc mắc cụ thể tái tạo da là gì? Tái tạo da có tốt không? Các phương pháp, sản phẩm tái tạo da nào phù hợp với cơ địa người Việt Nam?

1. Tái tạo da là gì?

Tái tạo da (peel da nông) là phương pháp sử dụng các hoạt chất có tính chất tẩy lột nhẹ nhằm lấy đi nhanh chóng (hơn tốc độ thay da bình thường) các lớp ngoài của da (phần biểu bì) lớp sừng sần già xỉn màu, hư tổn nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng các tế bào da mới bên dưới, khỏe mạnh hơn, từ đó giúp cho bề mặt da hấp thu tốt hơn và hiệu quả hơn các dưỡng chất thông qua đường bôi (kem/ serum…), để mang đến quy trình chăm sóc da đơn giản nhưng hiệu quả cao.

Một quy trình tái tạo da tự nhiên/ thay da sinh học cần khoảng từ 20-28 ngày trở lên, khi đó tế bào da chết được đẩy lên trên bề mặt da và bong tróc, đây là quá trình mà mắt thường không nhìn thấy được, tùy thuộc vào cơ địa, độ tuổi mà tốc độ thay da diễn ra nhanh hay chậm. Lúc này các tế bào da mới bên dưới cũng sản sinh ra để thay thế lớp tế bào da cũ đang mất đi. Thế nhưng, do 1 số lý do khách quan như độ tuổi, ảnh hưởng môi trường, nội tiết, sinh hoạt… mà việc tế bào chết ở trên da có thể chậm bị bong ra so với tốc độ bình thường, gây ra tình trạng ứ đọng da chết, bụi bẩn, bã nhờn… quá lâu tạo ra môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và từ đó gây ra các vấn đề về mụn. Chính vì thế mà quá trình tái tạo da hay còn gọi là peel da/ thay da là một trong các phương pháp được ứng dụng phổ biến cho việc điều trị các vấn đề về mụn cũng như về da.

 

Nói thêm về một số lợi ích “phụ” nhưng vô cùng hấp dẫn của việc lấy đi những tầng da già cỗi, da chết này:

  • Các nếp nhăn nhỏ, xuất hiện sớm dưới mắt hoặc quanh miệng, giữa trán, và nếp nhăn do tác hại của ánh nắng mặt trời, lão hóa và các yếu tố di truyền.
  • Một số loại mụn viêm hoặc không viêm (blackhead, cyst, nodule, papule,...)
  • Sẹo nông, sẹo mới hình thành, tình trạng sẹo nhẹ.
  • Đốm nắng, đồi mồi nhẹ, tàn nhang, da không đều màu.
  • Bề mặt da thô ráp, có vảy khô, da xỉn màu.
  • Các đốm sậm màu (nám mảng) do mang thai hoặc uống thuốc tránh thai.

2. Tình trạng da như thế nào thì nên cân nhắc được tái tạo da?

Những loại da cần phải được thực hiện phương pháp tái tạo da/ peel da gồm có:

  • Làn da xỉn màu, đốm sắc tố (đồi mồi, tàn nhang, nám) do các tác nhân xấu từ môi trường (tia UV, khói bụi, máy tính điện thoại...): Việc tiếp xúc với những tác nhân này trong thời gian dài khiến da bị tổn thương, chậm đi quá trình thay da sinh học tự nhiên, mà đây là nguyên nhân gây ra bít tắc lỗ chân lông, bề mặt da dần sần sùi, kém mịn màng. Phương pháp tái tạo da trong trường hợp này giúp thúc đẩy lại quá trình thay da, lớp da mới, trẻ và khỏe hơn sẽ dễ dàng tiếp nhận các sản phẩm chăm sóc da, và thay da xong thì việc dưỡng da thông thường sẽ mang lại hiệu quả hơn.
  • Da mụn (mụn trứng cá, mụn viêm, mụn bọc, mụn đầu đen,...) đã áp dụng nhiều phương pháp điều trị tại nhà, tại spa nhưng vẫn không cải thiện hoặc tái đi tái lại. Như đã mô tả cơ chế của phương pháp tái tạo da, đó là lấy đi lớp da bề mặt hư tổn, giải phóng các chất cặn bụi bẩn bã nhờn, da chết ứ đọng trong lỗ chân lông giúp loại bỏ “thức ăn” của vi khuẩn mụn, đồng thời một số sản phẩm tái tạo chứa thêm các chất kháng khuẩn giúp tiêu diệt vi khuẩn, vừa làm sạch sâu lỗ chân lông vừa làm mịn da và vừa tiêu diệt vi khuẩn mụn, đây là một phương pháp có thể nói là mang đến lợi ích và tiết kiệm thời gian hơn so với việc sử dụng mỹ phẩm dưỡng da thông thường. Chính vì thế, dựa trên tình trạng mụn, điều kiện thời gian, thói quen sinh hoạt, thì có thể cân nhắc sử dụng phương pháp tái tạo da để điều trị mụn tại nhà hiệu quả và nhanh chóng.
  • Sau quá trình điều trị mụn: một trong các vấn đề hay gặp là sau khi trị mụn xong thì da sẽ còn nhiều vết thâm mụn, lỗ chân lông nở to khiến cho da của bạn kém mịn màng, bị mốc và trông xỉn màu, sử dụng phương pháp tái tạo da nhằm thúc đẩy sản sinh tế bào da mới nhanh chóng và tạo điều kiện tốt cho các sản phẩm đặc trị thâm, dưỡng trắng da thẩm thấu tốt hơn.
  • Làn da bị hư tổn do sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng: Việc sử dụng mỹ phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc và có chứa nhiều chất kém lành mạnh cho da, gây hại da, khiến da bị hư tổn nghiêm trọng sẽ trở nên mỏng manh và sức đề kháng yếu đi. Tái tạo da sẽ giúp loại bỏ những lớp da yếu ớt, nhiều khiếm khuyết này một cách nhanh chóng hơn và dĩ nhiên cũng giúp quá trình thẩm thấu các sản phẩm dưỡng da nhằm phục hồi lại làn da được hiệu quả hơn.
  • Làn da đang dần lão hóa: Sau tuổi 30 da bạn bắt đầu bước vào quá trình lão hóa, xuất hiện các nếp nhăn, vết chân chim, nám, tàn nhang, các vết thâm do mụn, vết thương vết sướt nhỏ rất lâu để mờ đi... khiến da không đều màu, lốm đốm, kém sắc và thường chất da này sẽ hạn chế khả năng thẩm thấu dưỡng chất từ các sản phẩm dưỡng da lão hóa. Việc tái tạo da một lần nữa lại phát huy ưu điểm của nó, đó là giúp thúc đẩy nhanh việc loại lớp da biểu bì nhiều khuyết điểm kia, làm sạch thoáng lỗ chân lông, tẩy tế bào chết giúp quá trình dưỡng da bằng các sản phẩm chuyên sâu được hiệu quả hơn.

3. Hiện nay đang có các phương pháp tái tạo da nào thịnh hành?

3.1. Thay da bằng hóa học

Thay da hóa học là một phương pháp trị liệu thẩm mỹ các vấn đề da như sẹo thâm, lão hóa, rối loạn tăng sắc tố. Cơ chế khoa học của phương pháp thay da hóa học là dùng các Alpha Hydroxy Acid (AHA) gồm Acid Citric, Acid Glycolic, Acid Lactic hay Beta Hydroxy Acid (BHA), Acid Salicylic để làm bong các lớp biểu bì, kích thích được quá trình tái tạo bề mặt da, cho làn da mới ở dưới tươi sắc và rạng ngời hơn. Ngoài AHA, BHA thì bạn còn có thể sử dụng Vitamin C, Retinoids, Tretinoin để thực hiện tái tạo da, thay da.

Có 3 mức độ thay da nếu thực hiện phương pháp thay da bằng hóa học: thay da nông, thay da trung, thay da sâu. Tùy thuộc vào mức độ mà sử dụng nồng độ của hóa chất thay da khác nhau cũng như hình thức thay da khác nhau (thay da nông và trung có thể làm tại nhà và định kỳ, thay da sâu cần được thực hiện ở cơ sở uy tín)

Khi lựa chọn phương pháp này, tùy vào mức độ thay da theo tình trạng da (được chỉ định của bác sĩ nếu tình trạng nặng) bạn có thể tự thực hiện tại nhà (tái tạo nông và trung) hoặc đến các cơ sở uy tín, được cấp phép để thực hiện (tái tạo sâu, xâm lấn) để đảm bảo được chuyên viên chuyên nghiệp thực hiện, tránh viêm nhiễm, nhiễm trùng, lở loét, sẹo, da mỏng lộ mạch máu hoặc tăng sắc tố sau viêm (da nám sạm, đốm nâu nhiều hơn…)

 

3.2. Liệu pháp mài da/bào mòn da

Phương pháp mài da (Dermabrasion) và mài da vi điểm (Microdermabrasion) là các kỹ thuật tái tạo bề mặt da, được tiến hành bằng cách sử dụng một dụng cụ mài cầm tay để loại bỏ các lớp của thượng bì. Theo đó, bác sĩ da liễu sẽ sử dụng thiết bị có gắn tinh thể thạch anh hoặc mũi kim cương để tẩy hoặc bong vẩy các lớp sừng chết trên da nhằm thúc đẩy tế bào da mới được phát triển. Đây là kỹ thuật hiệu quả ngay trong cả điều trị sẹo.

Vì là phương pháp thâm nhập sâu vào trong da nên sau khi trị liệu, da bạn có thể gặp phải một số phản ứng không mong muốn như vô cùng khô rát và bong tróc, có dấu hiệu mưng mủ và bị tiết dịch lỏng. Do đó, trước khi thực hiện liệu pháp mài da/bào mòn da này thì bạn cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ da liễu trước và sau khi thực hiện để được tư vấn một cách chi tiết, hạn chế được những rủi ro, biến chứng và các tác dụng phụ.

3.3. Tái tạo da bằng tia laser

Tái tạo da bằng tia laser là công nghệ sử dụng bước sóng có năng lượng cao giúp loại bỏ nhiều vùng cực nhỏ (vi điểm) trên da. Có 2 loại laser thường được áp dụng trong tái tạo da, điều trị sẹo là laser vi điểm xâm lấn và laser vi điểm không xâm lấn. Laser vi điểm xâm lấn sẽ gây nhiệt và bốc hơi từ nhiệt ở những vùng da cực nhỏ trong khi laser vi điểm không xâm lấn tạo thành các cột nhiệt trong da và không bốc hơi. 

Phương pháp laser sẽ giúp tiết kiệm thời gian phục hồi, an toàn cho mọi loại da, có thể điều trị các nhược điểm của da như nám, đồi mồi, tàn nhang, sẹo mụn.

Các phản ứng thường gặp sau quá trình điều trị tái tạo da bằng tia laser thường là sưng và viêm đỏ. Do đó, bạn cần chăm sóc da theo hướng dẫn của bác sĩ, kết hợp với thoa kem chống nắng thường xuyên để hạn chế tối ưu những nguy cơ và biến chứng nguy hiểm.

 

3.4. Tái tạo da/ thay da bằng các phương pháp tự nhiên

Bạn có thể dùng các nguyên liệu tự nhiên như mật ong, sữa chua, bột yến mạch, sữa tươi,.. để làm mặt nạ tái tạo da, đồng thời bổ sung dưỡng chất để nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh. Phương pháp này đơn giản, dễ thực hiện tại nhà, dễ tìm nguyên liệu tại siêu thị hoặc chợ, chủ động về thời gian và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên bạn cần kiên nhẫn thực hiện trong một thời gian dài để thấy tác dụng, hơn nữa hiệu quả mà phương pháp này mang lại chỉ mang tính chất tạm thời chứ không trị dứt điểm được vấn đề, đặc biệt với tình trạng da dễ nổi mụn, da có sẹo, da bị đốm sắc tố (nám sạm, đồi mồi, tàn nhang) lâu ngày…

 

3.5 Tái tạo da/ thay da bằng thảo dược Đông Y

Thành phần chủ đạo là các loại thảo dược thuốc bắc ngâm cùng với rượu gạo 20 độ trở lên, thảo dược Đông Y có cơ chế tác động từ từ vào các lớp da biểu bì, giúp kháng viêm cho da đang bị mụn, loại bỏ tế bào chết bề mặt, làm sạch thoáng lỗ chân lông, kích thích đẩy nhanh quá trình sản sinh tế bào da mới giúp hỗ trợ điều trị mụn, nám và làm mờ các đốm sẹo nhỏ. Mức độ thay da ở phương pháp tái tạo da bằng thảo dược này có thể được xem như thay da nông ở các phương pháp tái tạo hóa học khác.

Thảo dược Đông Y gia truyền hiện nay được đặc chế nhiều dạng khác nhau: dạng thuốc nước, dạng cốt cô đặc, thậm chí là dạng kem. Tuy nhiên, quyết định sử dụng sao cho hiệu quả và không gây hại đến da thì bạn cần phải tham khảo thêm thông tin từ những nhà cung cấp có chuyên môn lẫn những cơ sở sản xuất uy tín.

 

4. Đánh giá hiệu quả của tái tạo bề mặt da như thế nào?

Cơ chế hoạt động của tái tạo da như đã nói ở trên bản chất là tác động bên ngoài, các phương pháp tái tạo da mặt chỉ giải quyết được phần ngọn là loại bỏ tế bào hư tổn, tạo cảm giác da sáng, mịn màng, chứ không hoàn toàn và tối ưu nhất khi mang đến hiệu quả bền vững trong việc trẻ hóa làn da.

Cùng với đó, giải pháp này vẫn chưa giải quyết từ gốc 3 nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng nhăn da, tối màu, thiếu sức sống như:

Độc tố AGEs* do cơ thể sản sinh ra từ chế độ ăn nhiều bột đường, làm bẻ gãy cấu trúc phân tử Collagen, khiến da mất tính đàn hồi, chảy xệ và nhăn nheo.

Tuổi tác, nội tiết tố và ánh nắng mặt trời tăng cường hoạt động của men tiêu hủy cấu trúc nền của da MMPs. Loại men này hoạt động như máy cắt, gây tiêu hủy các protein dạng sợi và phân tử giữ nước, dẫn đến da khô sạm và lão hóa.

Gốc tự do ROS sinh ra do nhiều nguyên nhân như: quá trình chuyển hóa của cơ thể, stress, ô nhiễm môi trường... cũng góp phần phá vỡ cấu trúc nền của da, khiến da nhiễm độc, mỏng yếu và dễ kích ứng.

Chưa kể, chi phí cho mỗi liệu trình thường khá đắt đỏ và tốn kém do hầu hết đều là thủ thuật thẩm mỹ bằng công nghệ hiện đại, đòi hỏi đội ngũ bác sĩ chuyên môn. Do đó, để cải tạo và duy trì vẻ đẹp tươi trẻ cho làn da, chị em cần kết hợp thêm giải pháp tác động trực tiếp đến tác nhân gây lão hóa từ bên trong.

5. Tái tạo da có nguy hiểm không và tái tạo da có tốt không?

Tái tạo da/ thay da có thể loại bỏ đi một hoặc một số lớp da mỏng trên bề mặt. Do đó, nhiều người luôn cảm thấy băn khoăn không biết tái tạo da có thật sự tốt không?

Song song với việc thay da, tầng sừng sau khi lột đi sẽ để lại lớp da mới, chưa được hình thành hàng rào bảo vệ một cách hoàn thiện. Chính lúc này, da có thể dễ bị gặp các vấn đề phát sinh không mong muốn. Theo các chuyên gia da liễu, khi thực hiện liệu pháp thẩm mỹ này, bạn có thể đối mặt với những tình trạng chung thường gặp như sau:

  • Kích ứng da: Da có thể có biểu hiện đỏ và khô trong và sau khi tái tạo do quá trình tái tạo đang được diễn ra, thậm chí nếu như thay da sai cách (để dung dịch hóa chất quá lâu trên da, hoặc sử dụng sai loại acid) sẽ khiến cho acid càng thấm xuống sâu hơn, làm cho làn da nhạy cảm hơn và có thể gây nhiễm trùng cục bộ và lâu phục hồi hơn.
  • Purging / Đẩy mụn nhiều hơn: Một số làn da vốn đã có vi khuẩn mụn nằm bên dưới da, sau khi tầng sừng bề mặt đã được bong ra bớt đi thì mụn dưới da có thể trồi lên bề mặt một cách dễ dàng hơn và có thể kèm theo đó là các quá trình viêm nhiễm (mụn viêm, mụn sưng đỏ). Nhưng đây được xem là 1 biểu hiện tốt, vì các nhân mụn sẽ được đào thải khỏi da sớm hơn và không để lại sẹo rỗ trên làn da sau khi hết mụn.
  • Thay đổi sắc tố da: Tái tạo/ thay da mặt có thể khiến vùng da điều trị trở nên tối màu hoặc sáng màu hơn bình thường, nhưng hiện tượng này có thể giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, nếu như không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn nên thăm khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
  • Dễ bị bắt nắng: Sau khi thực hiện phương pháp tái tạo da/ thay da, làn da của bạn trở nên mỏng manh hơn, nhạy cảm và dễ bị bắt nắng hơn, vì như đã giải thích, việc lấy đi lớp sừng bên ngoài cũng đồng nghĩa lớp da mới bên dưới chưa có thời gian để khỏe mạnh và chống chọi được với các tác nhân bên ngoài ngay. Do đó, bạn cần có quy trình phục hồi da chuyên sâu và luôn bảo vệ da kỹ càng dưới ánh nắng mặt trời trong trường hợp bắt buộc phải đi ra ngoài.

6. Khi chọn phương pháp tái tạo bề mặt da, cần phải chú ý điều gì?

6.1. Tham khảo ý kiến chuyên gia

Với tác dụng hấp dẫn của việc tái tạo da/ thay da, thì luôn kèm các tác dụng phụ, trước những vấn đề không mong đợi do phương pháp tái tạo da đã nêu ở trên mang lại, nhiều bạn vẫn còn phân vân có nên tái tạo da mặt hay không? Lời khuyên rằng, bạn có thể thực hiện phương pháp này, nhưng với điều kiện là bạn cần phải được tham vấn kỹ càng từ chuyên viên hoặc bác sĩ chuyên khoa da liễu. Lúc này, các chuyên viên/ bác sĩ sẽ hỗ trợ kiểm tra thật cẩn thận tình trạng da của bạn. Nếu như da của bạn được xác nhận có thể áp dụng phương pháp này, chuyên gia tiếp tục kiểm nghiệm về tính chất da, mức độ tổn hại, phạm vi của những vùng da kém mịn màng cũng như độ sâu của khuyết điểm trên khuôn mặt, để từ đó xác định được liệu bạn có thể thực hiện phương pháp này hay không.

6.2. Luôn quan sát tình trạng da

Mặc dù là liệu pháp thẩm mỹ thường mang lại sự thay đổi nhanh chóng cho da, song các phương pháp điều trị tái tạo da có thể phù hợp với việc tái tạo da bằng sản phẩm đặc trị với chức năng tái tạo chuyên sâu, mức độ an toàn được kiểm định.

  • Tình trạng mụn trứng cá chi chít, còn hoành hành nhiều trên khuôn mặt
  • Sẹo từ các nốt mụn viêm, mụn nang sâu, diện tích miệng viêm rộng khó lành.
  • Da mỏng đỏ, yếu, nhạy cảm, da khô hoặc bị bong tróc
  • Da có nếp nhăn cố định hoặc là biến đổi theo cử động mặt
  • Da bị tàn nhang, tối màu, xỉn màu

6.3. Giữ cho da luôn sạch sẽ

Đây luôn là điều kiện cần và tiên quyết trong việc chăm sóc da. Làn da không được làm sạch đúng cách thì tất cả các sản phẩm điều trị đều khó mang lại hiệu quả.

Việc làm sạch da hằng ngày sẽ giúp giảm thiểu tế bào chết, vi khuẩn, bụi bẩn trên da, từ đó hạn chế được tình trạng nhiễm trùng và các biến chứng khác như sẹo. Sử dụng sữa rửa mặt phù hợp với tình trạng da đang điều trị. Ngoài ra, tuyệt đối không chạm ngón tay lên trên da mặt vì tay khiến cho vi khuẩn mụn có cơ hội lây lan nhanh hơn (với trường hợp da bị mụn) và khiến tình trạng thâm sau mụn dai dẳng hơn.

6.4. Cấp ẩm cho da

Sau tái tạo da 1-2 tuần, khi các lớp sừng trên da đã được bong ra hoàn toàn, bạn có thể quay trở lại sử dụng các hoạt chất giúp tăng sinh collagen cho da, cấp ẩm cấp nước cho da như các loại serum, kem dưỡng chứa hoạt chất dưỡng ẩm HA,  Retinol, Vitamin C, Niacinamide, và cũng không quên các bước giữ ẩm bằng Kinetin, Ceramide, hoặc các loại peptide, hay Squalane,... để mau chóng lấy lại hàng rào bảo vệ da một cách nhanh nhất. 

Việc sử dụng đúng lúc và đều đặn trong suốt thời gian phục hồi giúp các vùng da được điều trị tăng cường độ ẩm tự nhiên, hạn chế tình trạng da khô ráp bong tróc, đồng thời da sẽ hấp thu hiệu quả các dưỡng chất từ sản phẩm dưỡng.

 

6.5. Không bao giờ quên chống nắng cho da

Để ngăn ngừa sẹo thâm và tổn thương da (đứt gãy collagen, eslatin, tăng sắc tố da) do tia cực tím từ mặt trời gây nên thì bạn cần hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong khung giờ 10h-16h. Trường hợp bắt buộc phải đi ra ngoài, bạn hãy sử dụng kem chống nắng (bôi lại 2-3 giờ) và mang theo các phụ kiện chống nắng như mũ, kính râm, khẩu trang để giảm thiểu ảnh hưởng trực tiếp của tia UV đến làn da mới được điều trị bằng phương pháp tái tạo da/ thay da xong.

Lão hóa da là quy luật tất yếu tự nhiên trong cuộc đời của mỗi con người. Bằng cách thực hiện phương pháp tái tạo da, làn da của chúng ta cũng chỉ được cải thiện bên ngoài. Phần còn lại sẽ được nằm ở phương pháp triệt tiêu 3 tác nhân gây lão hóa từ bên trong thông qua các sản phẩm đường uống, thói quen sinh hoạt, sức khỏe tâm thần.

Đó cũng là lý do vì sao mà các liệu pháp tái tạo da hiện nay rất được nhiều người ưa chuộng, và có thể nói đã trở thành xu hướng thiết yếu trong quá trình chăm sóc da của đại đa số. Tuy nhiên, chỉ điều trị da liễu thẩm mỹ thôi luôn là chưa đủ, phải nói là biện pháp tạm thời cho sức khỏe làn da, vì phương pháp chỉ tác động từ bên ngoài là chính, có phần rủi ro nếu như thực hiện không đúng cách. Do đó, chúng ta nên kết sử dụng phương pháp tác động từ bên trong bằng đường uống, chế độ sinh hoạt khoa học với phương pháp tái tạo da bên ngoài để đảm bảo đạt hiệu quả tối đa.

 

Đang xem: Tái tạo da không chỉ để trị mụn!

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng